Heritage Binh Chuan

Làm khách trên con tàu Heritage Cruises là cơ hội có những trải nghiệm văn hóa độc đáo như ngắm 100 bức tranh nguyên bản của họa sĩ Phạm Lực, “chạm” vào các kiệt tác thiên nhiên trên vịnh Lan Hạ trong hải trình tái hiện dấu tích xưa của “Vua” tàu thủy Bạch Thái Bưởi.

 

TRUNG THÀNH

Cúi đầu và nở nụ cười tươi, Nguyễn Tùng Chi, Tổng Quản lý du thuyền Heritage Cruises đích thân đứng ở cửa chính chào đón nhóm khách cả Tây lẫn ta khi họ vừa bước lên tàu. Đứng sát bên là hai nhân viên cao ráo mặc đồng phục trao cho mỗi vị khách một chiếc khăn lạnh và ly chanh đá thơm phức. Tiếp đến, nhóm khách được hướng dẫn di chuyển tay không đến một căn phòng rộng rãi kê chiếc grand piano G5E của hãng Yamaha đen bóng để nghỉ ngơi và uống nước, nơi pianist người Philippines đang chơi bản nhạc nổi tiếng Ballade pour Adeline, trong khi hành lý của họ được các nhân viên chuyển về tận phòng. Từ đây họ bắt đầu bước vào hành trình tìm lại ký ức của doanh nhân dân tộc lẫy lừng Bạch Thái Bưởi thuở đầu thế kỷ XX.

SỐNG DẬY KÝ ỨC

Du thuyền Heritage Bình Chuẩn dài 75m, rộng 13m10, có 4 tầng nhưng chỉ có 20 phòng suite rộng rãi chở tối đa 40 khách, 2 nhà hàng, một bể bơi bốn mùa trên tầng thượng. Con tàu mang phong cách boutique có lối thiết kế nội thất mang tinh thần Indochine này còn có tới 3 quầy bar, 2 phòng spa, một thư viện sách và cả một phòng gym mini để khách cảm thấy thoái mái như ở nhà hoặc đi nghỉ tại một resort sang trọng. Dù mới đi vào hoạt động một thời gian ngắn song du thuyền đã hoạt động liên tục để đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách muốn quay ngược thời gian để sống lại với những ký ức vàng son về nhà tư sản nổi tiếng Bạch Thái Bưởi thời Pháp thuộc.

Con tàu cảm hứng từ  di sản bắt đầu đưa du khách khám phá quần đảo Cát Bà và vịnh Lan Hạ từ ngày 7 tháng 9 năm nay, chính thức đánh thức một di sản trên biển đã ngủ vùi trong quên lãng bao nhiêu năm qua. Tự lấy một ly Capuccino nóng như các khách khác, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group (đơn vị sở hữu du thuyền) kiêm CEO của Heritage Cruises chỉ tay ra bên ngoài ô cửa kính trong suốt tràn ngập ánh nắng, nơi nhấp nhô các hòn đảo lớn nhỏ cách con tàu không xa, cho biết con tàu có cái tên đầy đủ là du thuyền Heritage Binh Chuan Cat Ba Archipelago.

Du ngoạn giờ đây là điểm đến, trải nghiệm và ký ức. Cái tên lịch sử  Bình Chuẩn có lẽ bắt nguồn từ tên người đóng tầu đầu tiên thời Nhà Nguyễn, sau đó thành từ một Ty thời vua Tự Đức, do Đặng Huy Trứ đề xuất Bình Chuẩn Ty có nhiệm vụ kinh doanh buôn bán, gây dựng tài chính cho quốc gia, giao thương hàng hóa giữa các miền trong nước và ngoại thương, bang giao với nước ngoài.

Theo ông Hà, cái tên tầu Bình Chuẩn khái quát được toàn bộ ý nguyện chấn hưng công thương nghiệp của Bạch Thái Bưởi làm quốc gia hưng thịnh và thống nhất bằng tinh thần dân tộc, thành tín, nhân nghĩa và trách nhiệm.

Với ông Hà, đây là một cái tên không thể ý nghĩa hơn, một món quà tinh thần vô giá mà bà Bạch Quế Hương, chắt nội của cụ Bạch Thái Bưởi dành tặng cho những nỗ lực không nghỉ của ông trong việc làm khơi dậy tinh thần kinh doanh và tình yêu nước lớn lao của vị doanh nhân lớn của đất nước. Còn món quà mà du thuyền có tổng vốn đầu tư lên tới 100 tỷ đồng này dành tặng du khách là những trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật và lịch sử độc nhất vô nhị trong những chuyến đi 2 ngày 1 đêm, 3 ngày 2 đêm hay 4 ngày 3 đêm, lần đầu tiên có trải nghiệm 3 đêm trong vùng lõm vịnh Bắc Bộ.

Ngoài những tiện nghi xa xỉ giống như tại các khách sạn và resort 5 sao trên bờ, Heritage Cruises mang lại cho du khách cảm giác đầy kỳ thú mình là một phần trong một cuộc thám hiểm những cung đường lạ lẫm đầy kỳ thú trên biển. Những đôi tình nhân tay trong tay chèo kayak khám phá bãi biển Ba Trái Đào vào buổi chiều đầy nắng vàng mật ong khi du thuyền mẹ thả neo bỗng thấy cuộc đời mình gắn chặt với nhau khi phải nhịp nhàng lái con xuồng vượt qua những con sóng nhẹ và yêu nhau như truyền thuyết về Ba Trái Đào hay chuyện tình cây Kim Giao trên rừng Cát Bà.

Có ai không yêu người yêu của mình hơn và cùng ước nguyện sẽ nắm tay nhau vượt qua mọi phong ba cuộc đời sau khi đã cùng nhau chinh phục sóng và nước Lan Hạ? Cảm giác chỉ có mình với vô số hòn đảo lớn nhỏ trập trùng xunh quanh cũng khiến nhiều người thấy việc gác lại công việc bận rộn để trở về bên thiên nhiên trong một hay vài ngày thực sự đáng giá. Và họ tiếc mình đã không làm điều này sớm hơn, hay không biết về Heritage Cruises sớm hơn.

Ông Phạm Hà nói: “Được học theo tinh thần kinh doanh của cụ Bạch Thái Bưởi, người từng chủ trương “Người Việt đi tàu Việt” trong cuộc cạnh tranh với các thương nhân Trung Hoa những năm đầu thế kỷ XX thực sự truyền cho tôi nguồn cảm hứng lớn lao. Với sự ủng hộ nhiệt tình của chị Bạch Quế Hương, chắt nội của cụ Bạch Thái Bưởi, chúng tôi có một niềm tin lớn vào sự thành công của đội tàu ở Hải Phòng”.

Ông Phạm Hà và bà Bạch Quế Hương đang tập trung cho việc xuất bản một cuốn sách về “Vua” tàu thủy Bạch Thái Bưởi, dự định sẽ xuất bản vào đầu năm sau. Một thư viện mini gồm cuốn sách này và các tài liệu khác về nhà tư bản công nghiệp hiếm hoi trong một xã hội trọng nông thời đầu thế kỷ XX cũng đang được khẩn trương xây dựng để có thể sớm ra mắt du khách của du thuyền.

BÁN TRẢI NGHIỆM VĂN HÓA

Ông Phạm Hà muốn Heritage Cruises Binh Chuan Cat Ba Archipelago không chỉ là một con tàu du lịch xa xỉ mà phải trở thành một “kiệt tác độc bản giữa kỳ quan”. Ông chia sẻ trong bữa tối fine dining ngay trên tàu, với rượu vang Pháp, thịt bò Úc hảo hạng và các loại rau địa phương.

“Chuyến du ngoạn trên du thuyền Heritage Cruises Bình Chuẩn đem đến cho bạn cả một trải nghiệm trên hành trình khám phá di sản cùng văn hóa – nghệ thuật và tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc. Chúng tôi không bán cho khách một tour du lịch, chúng tôi cung cấp toàn bộ trải nghiệm và những câu chuyện, những giấc mơ đang được tái hiện”.

Nghe có vẻ to tát, song thực tế người sáng lập đội du thuyền gồm Heritage Cruises và Emperor Cruises (một con tàu bé hơn chạy tuyến vịnh Hạ Long) đã có giấc mơ sở hữu đội du thuyền riêng từ thời ấu thơ bắt nguồn từ những chuyến đi với bố hồi còn nhỏ. Ông Hà kể, thấy thiên nhiên Việt Nam quá đẹp đẽ nhưng còn hoang sơ và nghèo, ông muốn thay đổi thực trạng ấy.

Bà Bạch Quế Hương, người cũng có mặt trong chuyến trải nghiệm, chia sẻ bà ủng hộ những ý tưởng độc đáo và táo bạo của ông Hà. Họ đang nỗ lực mang về bức tượng độc bản cụ Bạch Thái Bưởi bằng đồng để đặt ở vị trí trang trọng chính giữa con tàu, nơi đã được ông Hà cho thiết kế sẵn một hình vuông theo trục thẳng đứng từ trên nóc tàu xuống (có vòm hình tròn) theo quan niệm phong thủy “Trời tròn Đất vuông”.

Bạch Thái Bưởi sinh ra trong một gia đình nghèo, nhưng đã vươn lên trở thành một trong bốn người giàu có nhất Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XX. Ông là một nhà kinh doanh yêu nước và đề ra chủ trương “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”.

Nhà tư sản Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là một doanh nhân nổi tiếng đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ người Việt trong những năm đầu thế kỷ XX. Cụ luôn lấy dân tộc làm kim chỉ nam cho hoạt động kinh doanh của mình, luôn giúp đỡ người nghèo và khao khát “chấn dân khí” theo quan điểm cụ Phan Chu Trinh. Cụ còn tạo ra một cuốn từ điển và một tờ báo cho người Việt Nam theo phong trào Đông Du vào thời bấy giờ. Trong cuộc chiến tranh thương mại những năm đầu thế kỷ XX, doanh nhân Bạch Thái Bưởi đã đánh bại các nhà tư bản Pháp, Trung Quốc để tạo ra một bước chuyển biến lớn mang tầm quốc gia dân tộc với tinh thần “người Việt giúp người Việt” “Người Việt Nam đi tàu Việt Nam”. Cụ nắm trong tay 3 con tàu đi thuyê tên Phi Long, Phi Phượng và Fai Tsi Long (Bái Tử Long) và mở rộng thành đội tàu riêng 30 chiếc tàu, chạy 17 tuyến, trung bình mỗi năm chuyên chở 5000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng, mang lại rất nhiều lợi ích cho người Việt Nam thời ấy.

Bạch Thái Bưởi gây tiếng vang lớn khi cho hạ thủy con tàu Bình Chuẩn – con tàu lớn nhất Việt Nam tại thời điểm tháng 9/1919 hoàn toàn do người Việt thiết kế, đóng mới và chạy thành công từ Hải Phòng đến Sài Gòn đúng một năm sau đó, vào ngày 17/9/1920.

Cảm hứng từ câu chuyện kinh doanh của vị doanh nhân dân tộc này cũng khiến ông Hà quyết tâm mang lại sự khác biệt cho du thuyền của mình bằng yếu tố văn hóa và lịch sử. Ông dành rất nhiều công sức mua và sưu tầm 100 bức tranh của họa sĩ Phạm Lực để treo trên con tàu Heritage Cruises. Có những bức tranh được họa sĩ Phạm Lực sáng tác trong bối cảnh thời chiến từ những năm 1967, 1968, thậm chí ngay trên mặt trận chưa bay khói súng. Bức tranh ấy đã được treo trang trọng trên tàu để du khách thưởng ngoạn, một dịp hiếm có nếu những vị khách mê hội họa không biết đến Heritage Cruises.

Nghe nhạc cổ điển do nghệ sĩ Philippines chơi piano ngay trên tàu và tận mắt ngắm tranh Phạm Lực là những giá trị gia tăng vô giá mà chuyến đi bất ngờ này thực sự mang lại cho tôi. Dự một buổi hòa nhạc giao hưởng ở Nhà Hát Lớn Hà Nội hay ngắm một bức tranh ở một gallery đã là điều xa xỉ, nhưng làm hai điều này trên lênh đênh biển cả thì quả là một điều hiếm có. Bỏ tiền để được tận hưởng văn hóa và nghệ thuật giữa thiên nhiên đẹp đẽ của non sông chắc chắn là sự đầu tư khôn ngoan và “có lãi” nhất đối với những người hiểu biết. Còn tôi, tôi đã kịp cho vào wishlist của mình cái tên Heritage Cruises như một lựa chọn đầu tiên cùng với gia đình vào một dịp cuối tuần bất kỳ khi có thời gian!

Leave a Reply

Your email address will not be published.


The reCAPTCHA verification period has expired. Please reload the page.